Quyền sở hữu và tài chính Manchester_United_F.C.

Câu lạc bộ ban đầu được Công ty đường sắt Lancashire và Yorkshire cấp vốn hoạt động, sau đó trở thành công ty hữu hạn vào năm 1892 và bán cổ phần cho các cổ động viên địa phương với giá một bảng thông qua mẫu đơn đăng ký.[19] Vào năm 1902, phần lớn quyền sở hữu được chuyển sang cho bốn thương nhân địa phương, trong đó có chủ tịch tương lai John Henry Davies. Những người này đã bỏ ra mỗi người 500 bảng để cứu câu lạc bộ khỏi cảnh phá sản.[19] Sau khi Davies qua đời năm 1927, câu lạc bộ lần nữa đối mặt với nguy cơ phá sản nhưng được James W. Gibson ra tay hỗ trợ vào năm 1931 với khoản đầu tư 2.000 bảng.[23] Gibson tiến cử con trai mình là Alan lên làm việc trong ban quản trị câu lạc bộ vào năm 1948,[148] nhưng ba năm sau thì ông qua đời; gia đình Gibson duy trì quyền sở hữu câu lạc bộ thông qua vợ của James là bà Lillian,[149] nhưng vị trí chủ tịch câu lạc bộ được giao cho cựu cầu thủ Harold Hardman.[150]

Louis Edwards, một người bạn của Matt Busby, được bổ nhiệm vào ban quản trị sau thảm họa München, dần thu về nhiều cổ phần của câu lạc bộ; với khoản đầu tư xấp xỉ 40.000 bảng Anh, ông có nắm giữ 54% cổ phần và chính thức nằm quyền điều hành vào tháng 1 năm 1964.[151] Khi Lillian Gibson qua đời vào tháng 1 năm 1971, cổ phần của bà được chuyển cho Alan Gibson, người mà vào năm 1978 đã bán một lượng cổ phần cho con trai của Louis Edwards là Martin; Martin Edwards trở thành chủ tịch câu lạc bộ sau khi cha ông qua đời vào năm 1980.[152] Nhà tài phiệt truyền thông Robert Maxwell có ý muốn mua lại câu lạc bộ vào năm 1984 nhưng không thể đáp ứng cái giá mà Edwards đưa ra.[152] Vào năm 1989, chủ tịch Martin Edwards có ý định bán câu lạc bộ cho Michael Knighton với giá 20 triệu bảng, nhưng thương vụ đổ bể. Thay vào đó Knighton ngồi vào hàng ngũ giám đốc câu lạc bộ.[152]

Manchester United xuất hiện trên thị trường chứng khoán vào tháng 6 năm 1991,[153] và tiếp tục nhận được đề nghị mua lại vào năm 1998 từ phía tập đoàn British Sky Broadcasting của Rupert Murdoch. Động thái này dẫn tới sự ra đời của Shareholders United Against Murdoch – giờ có tên là Manchester United Supporters' Trust – một nhóm cổ động viên thuyết phục các cổ động viên khác mua cổ phần của câu lạc bộ để ngăn không cho việc tiếp quản thù địch xảy ra. Ban lãnh đạo Manchester United chấp nhận lời đề nghị trị giá 623 triệu bảng,[154] nhưng cuộc tiếp quản không thành do sự ngăn cản của Ban Độc quyền và Sáp nhập vào tháng 4 năm 1999.[155] Vài năm sau, cuộc canh tranh quyền lực xuất hiện giữa huấn luyện viên Alex Ferguson và các đối tác đua ngựa là John MagnierJ. P. McManus. Hai nhân vật này khi đó đang dần thu về phần lớn lượng cổ phần. Trong cuộc tranh cãi bắt nguồn từ việc tranh giành quyền sở hữu chú ngựa Rock of Gibraltar, Magnier và McManus có ý đồ lật đổ Ferguson khỏi vị trí huấn luyện viên trưởng. Sau đó ban lãnh đạo phản ứng bằng việc tiếp cận các nhà đầu tư khác nhằm giảm thiểu ưu thế của hai người Ireland kia.[156]

Vào tháng 5 năm 2005, Malcolm Glazer thu về 28,7 phần trăm số cổ phần câu lạc bộ nắm giữ bởi McManus và Magnier, từ đó có được quyền kiểm soát thông qua công ty đầu tư Red Football Ltd để chính thức mua lại câu lạc bộ với giá 800 triệu bảng.[157] Sau khi thương vụ hoàn tất, câu lạc bộ lập tức bị gạt ra khỏi thị trường chứng khoán.[158] Vào tháng 7 năm 2006, câu lạc bộ thông báo gói tái huy động vốn vay cho khoản nợ 660 triệu bảng khiến tiền lãi phải thanh toán hàng hàng năm giảm 30% xuống còn 62 triệu bảng một năm.[159][160] Vào tháng 1 năm 2010, với số nợ 716,5 triệu bảng,[161] Manchester United tiếp tục tái huy động vốn vay thông qua phát hành trái phiếu trị giá £504 triệu. Điều này giúp họ trả được 509 triệu tiền nợ các ngân hàng quốc tế.[162] Tiền lãi hàng năm phải trả dựa trên trái phiếu – mãn hạn vào ngày 1 tháng 2 năm 2017 – là khoảng 45 triệu bảng mỗi năm.[163] Dù nỗ lực tái cơ cấu nhưng các khoản nợ vẫn gây ra cuộc biểu tình của người hâm mộ vào ngày 23 tháng 1 năm 2010 tại Old Trafford và Trung tâm huấn luyện Trafford.[164][165] Các nhóm cổ động viên khuyến khích các fan vào sân cổ vũ trong trang phục xanh lục và vàng, màu sắc truyền thống của Newton Heath. Vào ngày 30 tháng 1 năm 2010, Manchester United Supporters' Trust tổ chức các cuộc họp với nhóm các cổ động viên giàu có được gọi là "Red Knights" nhằm mua lại quyền điều hành của nhà Glazer.[166]

Vào tháng 8 năm 2011, báo chí đưa tin nhà Glazer gặp gỡ Credit Suisse nhằm chuẩn bị cho việc phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) với mức giá 1 tỉ đô la Mỹ (khoảng 600 triệu bảng Anh) trên thị trường chứng khoán Singapore và định giá câu lạc bộ ở mức 2 tỉ đô la.[167] Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 2012, câu lạc bộ thông báo kế hoạch niêm yết IPO tại New York Stock Exchange.[168] Cổ phần được chào bán với mức giá từ 16 tới 20 đô, nhưng mức giá bị cắt giảm xuống còn 14 đô la trước phiên IPO vào ngày 10 tháng 8 do những bình luận tiêu cực từ các nhà phân tích Phố Wall cũng như màn ra mắt thất vọng trên thị trường chứng khoán của Facebook vào tháng 5. Mặc dù vậy Manchester United vẫn có giá trị 2,3 tỉ đô la và trở thành câu lạc bộ bóng đá giá trị nhất thế giới.[169]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Manchester_United_F.C. http://www.admiralsportswear.com/heritage.htm http://www.bbc.com/news/business-33044663 http://www.brandfinance.com/images/upload/top_30_e... http://www.deloitte.com/view/en_GB/uk/industries/s... http://www.espnfc.com/barclays-premier-league/23/s... http://www.espnfc.com/barclays-premier-league/stor... http://www.espnfc.com/german-bundesliga/10/statist... http://www.espnfc.com/spanish-primera-division/15/... http://fanpagelist.com/category/top_users/view/lis... http://www.footballeconomy.com/archive/archive_200...